Để nhân viên dưới quyền làm việc có hiệu quả và tận tâm với công việc, nhà quản lý cần chú ý đến những khía cạnh sau đây:
1. Phân chia nhiệm vụ “đúng người, đúng việc”
Sự phân cấp giữa nhân viên và quản lý rất quan trọng. Sếp phải xem xét kỹ lưỡng, chỉ đạo công việc của nhân viên, trong khi nhân viên cần dựa vào sếp để hoàn thành công việc của mình. Một hệ thống cấp bậc và cấu trúc hợp lý, phân chia nhiệm vụ “ đúng người đúng việc” sẽ là biện pháp quản lý hiệu quả.
2. Môi trường, phương tiện làm việc thích hợp
Tất yếu, nhân viên phải có tất cả công cụ vật chất và cá nhân để thực hiện công việc được giao. Chúng bao gồm dụng cụ, không gian làm việc thích hợp, sự hậu thuẫn của người quản lý, khả năng tiếp cận những kỹ năng và khóa học cần thiết. Ngoài ra, sự hướng dẫn cũng là điều không thể thiếu, đặc biệt trong những ngày đầu đi làm của nhân viên. Nó giúp nhân viên thích nghi với vai trò nhiệm vụ mới, hòa đồng với đồng nghiệp và môi trường làm việc một cách thoải mái.
3. Định hướng công việc cho nhân viên
Một nhà quản lý xuất sắc cần đảm bảo mỗi nhân viên dưới quyền nhận thức rõ ràng về công việc được giao. Nhân viên sẽ hiểu rõ vai trò của mình, làm việc với năng suất và hiệu quả cao nhất nếu có sự ủng hộ cũng như hướng dẫn của sếp. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng nâng cao mối quan hệ giữa nhân viên và sếp.
4. Đánh giá, khen ngợi và giao tiếp
Khen ngợi nhân viên lúc họ làm việc tốt sẽ mang lại lợi ích to lớn. Chắc chắn, họ sẽ làm việc chăm chỉ và cống hiến nhiều hơn cho công ty. Hãy tiến hành đánh giá hiệu quả công việc của nhân viên thường kỳ. Nhân viên và sếp có thể thảo luận bất cứ vấn đề gì đã xảy ra và chấm điểm cho hoạt động của nhân viên.
Thêm vào đó, người quản lý nên tạo ra một diễn đàn cho những thảo luận trong công ty và giải quyết các vấn đề của nhân viên. Cuối cùng, nhân viên sẽ thỏa mãn hơn nếu lương bổng cũng được đánh giá thường kỳ. Rõ ràng, họ sẽ làm việc tốt hơn nếu cảm thấy được hưởng xứng đáng về mặt tài chính.
5. Văn hóa công ty
Người quản lý nên chủ động giới thiệu cho nhân viên về văn hóa công ty. Các yếu tố như đạo đức nghề nghiệp, các nghi lễ, cách hợp tác và những cảnh báo là điều nhân viên rất muốn biết bởi chúng tác động trực tiếp tới các hoạt động hàng ngày của họ. Ngoài ra, sếp nên đảm bảo mọi người đang làm việc hướng tới mục tiêu chung, mang lại niềm tin cho họ và giao tiếp một cách cởi mở.
6. Khen thưởng xứng đáng
Điều cuối cùng rất đơn giản: khen thưởng xứng đáng cho nhân viên làm việc tốt và có nhiều cống hiến. Phần thưởng không nhất thiết phải là các khoản tiền hậu hĩnh. Nhân viên cũng sẽ rất cảm động nếu có thời gian nghỉ ngơi để xem các trận đấu World Cup hay tham gia các hoạt động ngoại khóa bổ ích hoặc đơn giản hơn nữa là bữa trưa được phục vụ miễn phí. Họ sẽ hạnh phúc vì thấy mình được coi trọng và sẽ làm việc chăm chỉ, hiệu quả hơn nữa.
3 bước giúp các nhà quản lý truy tìm nhân tài cho công ty
Cần gần gũi và tôn trọng người tài
Những phương pháp quản lý đặc biệt là rất cần thiết để khiến nhân tài toàn tâm toàn ý trong công việc. Những người tài thường có xu hướng cho rằng mình không cần sự chỉ đạo hay hướng dẫn trong công việc. Đó mới thật sự là một vấn đề đau đầu cho nhà quản lý.
Nếu như doanh nghiệp của bạn may mắn có được những người trên, khó khăn trong việc quản lý họ là tất yếu. Họ thường rất nhạy cảm, hay tự ái và sẵn sàng chống lại bạn nếu bạn mắc sai lầm.
Nắm đựơc vấn đề trên, những chuyên gia quản lý nhân sự có kinh nghiệm đã đưa ra những phương thức hiệu quả để quản lý và điều chỉnh tính cách nhân tài trong doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, họ cũng đưa ra những phương pháp và công cụ để nhà quản lý ứng dụng trong việc quản lý công ty và điều hành công việc.
Các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu trên những nhà lãnh đạo đang quản lý những nhân viên cá biệt. Qua đó rút ra phương pháp và công cụ cần thiết để quản lý nhân tài và điều hành công việc cách hiệu quả nhất.
Cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng: dù trong bất cứ lĩnh vực nào, nhà quản lý luôn phải dành cho nhân viên và khách hàng sự tôn trọng nhất định.
Gây dựng lòng tin
Tất cả những nhà quản lý xuất sắc luôn sẵn sàng gây dựng niềm tin với nhân viên cấp dưới. Họ làm điều đó bằng cách thể hiện sự xuất sắc của mình trong lĩnh vực hoạt động và xác định mục tiêu rõ ràng trong công việc. Câu châm ngôn: “Điều bạn thấy là điều bạn đạt được” luôn đem lại sự tin tưởng cho nhân viên và được thể hiện dưới nhiều hình thái khác nhau.
Những nhân viên có tài làm việc không đơn thuần vì tiền. Họ tìm kiếm kiến thức và những cơ hội thăng tiến, học hỏi trong nghề nghiệp. Họ luôn tự hỏi bản thân rằng: “Mình đã đạt được mục tiêu?”. Nếu bạn cho họ câu trả lời “không”, họ sẵn sàng rời bỏ công việc hiện tại và điều này khiến doanh nghiệp lâm vào khó khăn thực sự. Vì thế những nhà quản lý có tầm nhìn luôn phải tìm ra nhân tài và có phương thức thích hợp để duy trì họ trong tổ chức của mình.

Gây dựng được lòng tin là một trong những điều thiết yếu nhất
Đặt ra thử thách
Đừng ngần ngại giao cho người giỏi những công việc đầy thử thách để họ được khám phá, học hỏi từ những điều mới. Chính lãnh đạo cũng phải cởi mở để tạo môi trường học hỏi lẫn nhau thì mới có thể tiến đến mục tiêu chung.
Quản lý người giỏi hơn mình là cả một nghệ thuật. Người quản lý không nhất thiết phải giỏi về chuyên môn mà quan trọng nhất là kỹ năng giao tiếp, đối nhân xử thế, giải quyết vấn đề một cách thuyết phục.
Người lãnh đạo cần chủ động thể hiện sự học hỏi từ nhân viên, tăng cường giao tiếp với nhân viên, đưa ra câu hỏi để phát hiện điều gì đang khiến nhân viên lo lắng, vướng mắc.
Nhà lãnh đạo là người đứng đầu doanh nghiệp, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp. Khi thực hiện tốt vai trò của mình, nhà lãnh đạo sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, ngược lại sẽ kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.
Vì vậy, hãy tuyển dụng những “cái đầu” giỏi hơn mình, công ty sẽ có những lợi ích đáng kể. Và thay vì sợ những người giỏi hơn sẽ lấn lướt mình, hãy trở thành nhà quản lý giỏi để thu hút nhân tài cho doanh nghiệp.